Với những bạn đang sở hữu hoặc đã tìm hiểu qua bộ Shadowscapes Tarot, nếu để ý, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một chi tiết được tác giả vẽ lặp đi lặp lại rất nhiều lần dưới những cách miêu tả khác nhau. Đó chính là hình ảnh một sợi dây/ruy băng màu đỏ. Vậy hình ảnh đó có ý nghĩa như thế nào? Cùng Topshare.vn tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Sợi dây đỏ của Rachel trong Shadowscapes Tarot.
Sợi dây đỏ của Rachel trong Shadowscapes Tarot.

Sợi dây màu đỏ là một biểu tượng xuất phát từ Kabbalah (Tree of life – Cây Sự Sống) là một phương pháp bí truyền, kỷ luật và trường phái tư tưởng của Do Thái giáo. Nó đại diện cho niềm tin bảo vệ con người khỏi “Mắt quỷ” – The Evil Eye (Trong thuyết Tree of life, The Evil Eye được hình thành từ lòng ghen ghét và sự đố kỵ của con người). Nó có thể gieo rắc tai họa cho người khác, vì đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, nên ánh nhìn từ Mắt quỷ có thể gây tổn hại nặng nề đến cả linh hồn và suy nghĩ của bạn. Thứ dùng để bảo vệ con người khỏi The Evil Eye chính là một sợi dây màu đỏ quấn bảy lần trên tay trái, có nguồn gốc từ ngôi mộ của Rachel. Vậy Rachel là ai?

Theo Kinh Cựu Ước (Sách Sáng Thế hay Sáng Thế Ký, là sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung), vào thời ban sơ của dân Do Thái, Jacob – Vị tổ phụ thứ ba của dân Israel, là con trai của Isaac và Rebekah, cháu nội của Abraham và Sarah, cháu của Bethuel và là em trai sinh đôi của Esau – làm nghề chăn cừu, người được Thiên Chúa thực hiện một giao ước. Trong một dịp đến Haran, ông ta gặp Rachel – Con gái nhỏ của cậu Laban, và cũng là em họ của Jacob – đang làm việc chăn cừu và may áo lông cừu. Vừa trông thấy Rachel, Jacob đã yêu cô ngay lập tức. Một tháng sau, Jacob cầu hôn Rachel thì Laban yêu cầu ông phải làm việc không công cho mình 7 năm thì mới được gả con gái cho. 7 năm sau, vào đêm động phòng, Jacob phát hiện Laban đã lừa mình và đưa Leah – Chị của Rachel – vào thay. Kết quả là Jacob lại phải tiếp tục làm không công cho Laban thêm 7 năm nữa để lấy được Rachel. Sau đó, Leah sinh cho Jacob sáu người con trai, trong khi Rachel thì khá hiếm muộn. Sau đó trong cuộc sống gia đình, nhiều chuyện nội bộ, ghen tuông đã xảy ra. Sau này Jacob và Leah chia tay nhau, ông rời bỏ khỏi nhà của Laban và tiếp tục trên con đường hành trình của mình. Cuối cùng Rachel cũng hạ sinh được cho ông hai người con trai. Một người là Joseph – Nhà tiên tri vĩ đại, người đã giải mộng cho Pharaoh và đã cứu cả Ai Cập và Israel thoát khỏi nạn đói. Người còn lại là Benjamin – là dòng dõi của nhà vua đầu tiên của Israel. Sau khi hạ sinh Benjamin, bà đã qua đời. Jacob chôn bà bên vệ đường gần Beit Lethem và dùng sợi chỉ đỏ quấn bảy lần quanh mộ của bà. Lý do ông chôn bà ở đó là vì ông biết trước sau này dân Do Thái sẽ bị vua của Babylon lưu đày, và họ sẽ đến đây để cầu nguyện Thiên Chúa.

Sau này, khi đền thờ sụp đổ và dân Do Thái bị lưu đày, cả Abraham, Isaac, Jacob và thậm chí cả Moses đã đến van xin Chúa nhưng không được. Khi đó, Rachel mới đến cầu xin Chúa: “Lạy Đấng Chủ tể vũ trụ, Ngài biết Jacob yêu con nhất và chấp nhận làm rể bảy năm chỉ để cưới được con. Đến kỳ hạn cưới xin, bố con đã tráo đổi chị con thay chỗ con. Con không muốn tranh giành với chị con, cũng chẳng muốn để chị con phải tủi hổ vì phận bạc. Nếu con, chỉ là loài hèn phận người, mà còn không muốn chị con bị tủi phận vì không đưọc điều con có, thì lẽ nào Ngài là Đấng Vĩnh Hằng, là Thiên Chúa Hằng Sống đầy lòng xót thương lại ganh tỵ với kẻ thờ tà ma ngoại đạo không có thực mà khiến cho con cháu của con phải bị lưu đày khốn khổ?”. Và vì chỉ mình Rachel biết tỏ lòng thương xót mẫn cảm đối với người khác nên mới có thể kêu xin và nhận được lòng xót thương từ Chúa.

Lập tức, lòng xót thương nơi Chúa bừng dậy, và Ngài phán: “Vì Rachel, con Ta ơi, Ta sẽ mang Israel trở về nguyên quán, như Ta đã từng có lời nói: Đừng khóc và đừng đổ lệ nữa, vì việc các ngươi làm đã mang lại kết quả. Hy vọng đã bừng lên cho các ngươi, và con cháu các người sẽ hồi cư nguyên quán”.

Qua trên, ta có thể thấy Rachel – Người được gọi là Holy Matriarch (tiếng lóng nghĩa là nữ chúa của gia đình) – đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nền văn minh của Do Thái giáo. Và sợi chỉ đỏ quấn bảy vòng quanh mộ của bà trở thành một biểu tượng, một vật tín ngưỡng được cho là sẽ bảo vệ con người khỏi những điều tăm tối, những ham muốn xấu xa, hay trong học thuật Kabbalah là để bảo vệ khỏi “Mắt quỷ”. Người đeo nó được cho là sẽ có được sự bảo vệ của Rachel – Với niềm tin rằng: Bằng cách sử dụng ánh sáng mạnh mẽ từ những người có tâm hồn thánh thiện như Rachel sẽ trợ giúp cho họ. Theo Kabbalah, Rachel đại diện cho thế giới vật chất mà chúng ta đang sống. Mong muốn lớn nhất của bà là bảo vệ tất cả của người thân khỏi cái ác. Khi buộc sợi dây đỏ lên cổ tay trái cũng chính là lúc sử dụng năng lượng bảo vệ mạnh mẽ của bà để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đang muốn làm hại chúng ta. Và vì “mắt quỷ” hình thành từ sự ghen ghét và ham muốn, nên sợi dây đỏ sẽ được đeo ở bên cổ trái – Vì theo quan điểm của những người nghiên cứu Kabbalah, bên trái chính là bên của Dục vọng. Sợi dây đỏ đeo ở đó như một lời nhắc nhở chúng ta đừng nên gieo rắc ham muốn. Và theo truyền thống, người Do Thái thường không tự đeo mà sẽ nhờ người khác đeo hộ – Một người ấm áp và tốt bụng như Jacob với Rachel.

Hình ảnh sợi dây màu đỏ đeo trên cánh tay trái trong một tác phẩm tuyệt đẹp khác của Stephanie Law - Tác giả bộ Shadowscapes Tarot.
Hình ảnh sợi dây màu đỏ đeo trên cánh tay trái trong một tác phẩm tuyệt đẹp khác của Stephanie Law – Tác giả bộ Shadowscapes Tarot.

Ngoài ra, sợi dây đỏ cũng xuất hiện một lần nữa trong Kinh Thánh, khi Joshua vây thành Jericho. Ông đã cử hai gián điệp vào do thám thành. Khi bị phát hiện, hai người đã được một kỹ nữ tên là Rahap che giấu và nói rằng nếu họ để cho gia đình cô được sống, cô sẽ thả họ đi, vì cô đã nghe danh và kính sợ Đức Chúa trời. Họ đồng ý và bảo cô hãy treo một sợi dây đỏ lên ô cửa sổ mà cô đã thả họ đi, như vậy sẽ không một ai ở trong ngôi nhà đó phải đổ máu. Cuối cùng, dân Do Thái đã xâm chiếm thành Jericho và không một ai sống sót, ngoại trừ những người ở trong ngôi nhà của cô gái điếm Rahap – Người mà dõng dõi của cô ta đã sống bình đằng giữa tuyển dân của Chúa – trong khi đó, rất nhiều tuyển dân thật sự đã bị Chúa xử tử như một lũ điếm vì đã phản bội Chúa mà theo các tượng thần ngoại đạo.

Ở đây, sợi chỉ đỏ đã đóng một vai trò giống như là dấu máu cừu mà dân Do Thái đã vẽ lên cửa nhà mình vào kỳ Lễ Vượt Qua (Passover – Lễ Quá Hải) đầu tiên. Cái ngày mà Chúa đã rảo bước khắp Ai cập, cắt đầu tất cả những đứa con đầu lòng (dù là của người hay vật) và chỉ bỏ qua nhà nào có dấu máu đỏ ở trước cửa, để buộc Pharaoh phải thả tự do cho dân Do Thái. Như vậy, sợi chỉ đỏ cũng là biểu tượng của đức tin, sự cứu rỗi và thanh tẩy.

Nguồn: Won Il Yong

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *